Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
NGƯỜI GIỮ GÌN, BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC

Là những người “nặng lòng” với văn hóa dân tộc, lại am hiểu về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của địa phương mình, những nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian trên địa bàn xã Trọng Con đang hàng ngày cống hiến sức lực, gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ mai sau về các giá trị tinh thần quý báu của dân tộc mình.

 

anh tin bai

Ông Hoàng Văn Thiệu (ngoài cùng từ phải sang) tham gia Ban giám khảo tại Liên hoan hát then, đàn tính lần thứ nhất huyện Thạch An năm 2019

    Cả đời gắn bó với thôn bản, ông Hoàng Văn Thiệu, 67 tuổi, dân tộc Tày, nghệ nhân ưu tú thôn Nam Quang, xã Trọng Con là người có nhiều công lao trong vận động đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Lo lắng bản sắc văn hóa truyền thống bị mai một, ông Thiệu đã cùng với các nghệ nhân ưu tú như bà Nông Thị Nhít ở thôn Pò Lài, ông Nông Thế Anh ở thôn Vĩnh Quang; nghệ nhân dân gian như bà Nông Thị Kim Liên ở thôn Cạm Khàng, bà Hoàng Thị Lanh ở thôn Nam Quang… khôi phục lại một số loại hình văn hóa của dân tộc như múa Chầu, hát then đàn tính, những làn điệu dân ca…. Từng là cán bộ văn hóa xã, lại am hiểu văn hóa dân gian cho nên ông đã dành nhiều thời gian sưu tầm câu truyện kể truyền miệng của người Tày, những câu hát, điệu múa, điệu lý, những phong tục tập quán tốt đẹp đều được ông ghi chép lại cẩn thận để lưu giữ lại cho thế hệ con cháu. Ông luôn động viên lớp trẻ bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

    Đồng chí Vũ Tuấn Nghĩa – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch An cho biết:  Ông Thiệu là một trong số ít những người am hiểu các làn điệu dân ca, hát then đàn tính, đặc biệt là loại hình múa Chầu trên địa bàn xã Trọng Con nói riêng và huyện Thạch An nói chung. Bản thân ông là tư liệu “sống” - là một nghệ nhân trực tiếp thể hiện cũng như truyền dạy cho các thế hệ. Hiện nay loại hình múa Chầu đã được đông đảo người dân trên địa bàn huyện biết đến và tham gia tập luyện. Với những đóng góp trong khôi phục và gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc, năm 2015, ông vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú ở loại hình Lễ hội truyền thống.

 

anh tin bai

Tiết mục Múa Chầu của xã Trọng Con tại Liên hoan hát then, đàn tính huyện lần thứ 2 năm 2022

    Không chỉ ông Thiệu mà rất nhiều nghệ nhân trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trọng Con đã trực tiếp tham gia gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, vận động người dân trong thôn bản tham gia xây dựng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Hiện nay, xã Trọng Con có 01 đội văn nghệ bảo tồn dân ca dân vũ của xã, 01 câu lạc bộ hát then đàn tính tại xóm bản Chang, 01 câu lạc bộ dân ca dân vũ thôn Pò Lài, các đội văn nghệ tại thôn, bản. Các câu lạc bộ, đội văn nghệ thường xuyên tham gia giao lưu, biểu diễn trong những dịp lễ, tết tại các gia đình, dịp hội làng, hội xuân, hay lễ mừng nhà mới, lễ cấp sắc... cũng như các hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc của huyện, tỉnh tổ chức. Qua đó, một mặt góp phần tham gia giữ gìn các điệu múa, làn điệu dân ca, nghi thức, nghi lễ truyền thống, một mặt duy trì và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống đồng bào. Năm 2023 xã đã xây dựng mô hình phát huy văn hóa phi vật thể Nghệ thuật múa Chầu trong xướng Then của dân tộc tày, mô hình gồm có 50 học viên là người dân tại 4 thôn: Bản Chang, Pò Lài, Vĩnh Quang, Nam Quang, học sinh Tiểu học và THCS xã Trọng Con, có lứa tuổi từ 10 đến trên 50 tuổi. Các học viên được các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian truyền dạy, hướng dẫn thực hành hát then đàn tính, các động tác xướng Then, cách thức biểu diễn nhạc cụ… qua đó đã góp phần tham gia gìn giữ các điệu múa, làn điệu dân ca, phát huy hiệu quả trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và múa Chầu trong xướng Then của dân tộc tày tại xã Trọng Con nói riêng.

    Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là việc làm quan trọng và quý giá trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, là tài sản của các thế hệ đi trước trao truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Bên cạnh nhịp sống hiện đại vẫn còn đó những người ngày đêm âm thầm bảo tồn, lưu giữ và phục dựng các làn điệu đặc sắc, mang hồn riêng của dân tộc mình như các nghệ nhân Hoàng Văn Thiệu, Nông Thế Anh, Nông Thị Nhít...Việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là thể hiện tinh thần yêu nước, sự biết ơn của chúng ta đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, đó là cội nguồn, đồng thời là sức mạnh nội ninh để phát triển kinh tế - xã hội góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Nguồn: Trang Thông tin điện tử huyện Thạch An

Tin tức
Đăng nhập

ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang